Thị trường nhôm biến động trước các quyết sách của Mỹ
Nhiều khó khăn đặt ra với các doanh nghiệp Việt trước các chính sách khó lường của Mỹ, tuy vậy vẫn có cơ hội để tự đổi mới, chiếm lĩnh thị trường.
Nỗi lo nhôm giá rẻ Trung Quốc / Mỹ sắp áp thuế mới với nhôm Trung Quốc
Đầu tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc. Động thái này đã thổi thêm một bầu không khí căng thẳng trong trong quan hệ thương mại giữa nền kinh tế hàng đầu thế giới và Trung Quốc.
Chính sách này cũng ảnh hưởng nhiều tới giá nhôm. Sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt tập đoàn Rusal - nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới và cung cấp khoảng 7% sản lượng nhôm toàn cầu, giá nhôm tăng mạnh trên cả hai sàn London và Thượng Hải trong tháng 4-6/2018. Giá đạt đỉnh ngày 19/4/2018 là 2.602 USD một tấn.
Tuy nhiên sau đó, giá nhôm lại giảm mạnh. Đến 20/12, việc Mỹ tuyên bố sẽ gỡ lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất Rusal của Nga đưa giá kim loại này xuống đáy 16 tháng ở 1.905 USD một tấn trên sàn giao dịch kim loại London (LME).
Các chuyên gia đánh giá, giá nhôm thế giới giảm mạnh do áp lực bán ra tăng cường sau khi Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ áp đặt hàng tỷ USD thuế quan mới nếu thỏa thuận thương mại với Trung Quốc không mang lại kết quả tích cực. Trong khi đó, Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa nhu cầu nhôm toàn cầu.
Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi chính sách của các ông lớn thế giới về thị trường nhôm. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright, cuộc chiến thương mại này sẽ "vừa tích cực, vừa tiêu cực".
Giá nhôm bị ảnh hưởng sau chính sách của Mỹ
Nhôm giá rẻ tràn ngập thị trường
Việt Nam có nhiều rủi ro khi trở thành "sân sau" của Trung Quốc. Việc dư thừa các nguồn hàng hóa trong nước đã khiến Trung Quốc thúc đẩy "làn sóng" xuất khẩu dư thừa sang cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài gia, điểm bất lợi nữa khiến sản phẩm nhôm trong nước khó lòng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại là việc tăng tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng VAT đầu vào cho hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 9/2018, từ 9% lên 13%.
Khó khăn khiến các doanh nghiệp lo ngại hiện nay là tình trạng hàng kém chất lượng đổ vào thị trường thay vì những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Nếu tình trạng nhập khẩu nhôm thanh định hình giá rẻ, kém chất lượng tiếp tục giữ nguyên thì các đơn vị sản xuất nhôm thanh định hình trong nước, nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài sẽ đối mặt với nguy cơ từ hạn chế sản xuất kinh doanh đến dừng hẳn hoạt động trong thời gian dài.
Hiện, các sản phẩm nhôm thanh định hình của Trung Quốc được nhập và bán tại thị trường Việt Nam luôn có giá rẻ hơn so với sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước, khi thuế nhập khẩu nhôm và các sản phẩm bằng nhôm từ Trung Quốc về là 0% ( theo thuế suất ACFTA). Bên cạnh đó, một khối lượng không nhỏ nhôm Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái khai báo không đúng số lượng hoặc đường tiểu ngạch để trốn thuế VAT 10%, điều này đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, làm ăn chân chính Việt Nam.
Việc nhôm Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam khiến ngành hải quan phải có văn bản yêu cầu "siết" nhập khẩu mặt hàng này hồi năm ngoái, đồng thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong khai báo mã hàng nhằm trốn thuế, gian lận thương mại.
Cơ hội cho ngành nhôm Việt Nam
Ông Trần Dũng - Giám đốc Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp thuộc Tập đoàn Ngọc Diệp cho rằng khó khăn lâu nay của các doanh nghiệp Việt vẫn yếu về công nghệ và phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chưa chủ động được nguồn hàng.
Ngày 28/11/2018, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ từ các nhà sản xuất nhôm trong nước về việc phòng vệ thương mại đối với yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo ông Dũng, các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt có hậu thuẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển cho ngành nhôm.
Để tận dụng lợi thế và có thể thâm nhập vào thị trường khó tính này, các doanh nghiệp cần phải tự đổi mới, cập nhật xu hướng công nghệ mới đồng thời có lộ trình phù hợp, ông Trần Dũng nhận định.
Với nhôm Ngọc Diệp, hiện tập đoàn cũng đầu tư và sản xuất nhôm trên dây chuyền công nghệ cao, máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại. Doanh nghiệp có 3 nhà máy sản xuất quy mô, tổng diện tích lên tới 150.000m2 tại khu công nghiệp phố Nối (Văn Lâm - Hưng Yên).
Trong đó, nhà máy sản xuất nhôm Dinostar là một trong những nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất trong lĩnh vực sản xuất nhôm ở Việt Nam. Nhà máy này có hệ thống sản xuất khép kín liên hoàn từ khâu luyện đúc Billet, đùn ép nhôm, sơn tĩnh điện cho đến khi ra thành phẩm, có thể cung cấp ra thị trường hơn 55.000 tấn nhôm xây dựng và nhôm công nghiệp mỗi năm. Dây chuyền sản xuất được trang bị phòng sạch khép kín (Cleanroom) để đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh các dòng sản phẩm nhôm xây dựng, nhôm công nghiệo, nhà máy nhôm Dinostar còn cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm nhôm Billet (nhôm thỏi), được sản xuất từ nguồn nguyên liệu 100% ingot được nhập khẩu trực tiếp từ Australia, Nga và các nước Trung Đông.
"Trong khi sản phẩm nhôm Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường, các sản phẩm của Việt Nam lại bị yếu thế ngay trên sân nhà. Việt duy trì và khẳng định được thương hiệu là chiến lược dài hơi, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Trần Dũng nhận định.
Là tập đoàn đa ngành, Ngọc Diệp có thế mạnh trong sản xuất in ấn bao bì carton (Bao bì Ngọc Diệp), sản xuất, lắp đặt và thi công hệ thống cửa, vách mặt dựng (Ngocdiep Window); tư vấn, thiết kế và thi công các sản phẩm nội thất văn phòng, gia đình, trường học...(Nội thất Ngọc Diệp). Bên cạnh việc duy trì tốt các mảng kinh doanh thế mạnh, tập đoàn còn lấn sang các mảng sản xuất kinh doanh mới như nhôm xây dựng, nhôm công nghiệp, nhôm billet (nhôm thỏi)...